Lên rừng xuống biển mà chưa

15/02/2019 - 10:14:23 2166 Lượt xem

Với cộng đồng những người yêu du lịch, cụm từ “4 cực một đỉnh” có lẽ không còn xa lạ gì nữa. Bởi đó chính là mong muốn, ước mơ, mục tiêu mà bất cứ “phượt thủ” nào cũng hướng đến để niềm tự hào và tình yêu đất nước được chảy tràn trong huyết quản.

Việt Nam có địa hình đặc biệt, được đánh dấu bằng bốn cực Bắc, Nam, Đông, Tây và một đỉnh núi cao lần lượt là: Lũng Cũ, Đất Mũi, Mũi Đôi, A Pa Chải, Fansipan. Có thể bạn đã lên rừng xuống biển chẳng sót chỗ nào nhưng nếu chưa từng "check - in" tại những cột mốc của Việt Nam thì thật là đáng tiếc. Nhân lúc chân còn khỏe, trái tim vẫn mách bảo và hối thúc ta tìm tòi, khám phá thì bạn còn chần chừ gì nữa mà không nhanh chóng xách ba lô lên đi “đánh dấu” lãnh thổ thôi nào.

Chinh phục cực Bắc - Lũng Cú

Điểm cực Bắc của Tổ quốc chính là cột cờ Lũng Cú kiêu hãnh nằm trên đỉnh Long Sơn, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đường đến đây có vài đoạn hỏng, đèo dốc không ngừng, bên này vách đá dựng đứng, bên kia vực sâu thăm thẳm, hơi sương lạnh buốt bám riết lấy người khách xa lạ như muốn cản trở tay lái tiến về phía trước. Thế nhưng, sau những vất vả, khó khăn đó, bạn sẽ được nhìn thấy lá cờ đỏ thắm rộng 54m2 đại diện cho 54 dân tộc anh em bay phấp phới giữa vùng trời bao la. Từ trên đỉnh cực Bắc nhìn xuống, sông núi nước Nam hiện ra đẹp lạ lùng. Cánh đồng lúa trù phú vươn mình hứng trọn những tia nắng ấm áp rót xuống mặt đất, cùng bao mái nhà đơn sơ bé nhỏ nằm bình yên bên dòng suối hiền hòa. Ngần ấy thôi cũng đủ khiến trái tim ta phải đập liên hồi, cảm giác xúc động trào dâng, nghẹn lại ở cổ họng chẳng thể nói thành lời.


Cột cờ Lũng Cú nằm hiên ngang trên đỉnh núi Long Sơn là ước mơ chinh phục của rất nhiều "phượt thủ" 


Từ bãi đỗ xe giữa lưng chừng núi, bạn phải chinh phục 286 bậc đá lên độ cao 1.700m để có thể đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên bầu trời tự do

 


 Chân cột cờ có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh mô phỏng hoa văn mặt của trống đồng Đông Sơn và những họa tiết minh họa các giai đoạn lịch sử của đất nước ta. 

Thời điểm thích hợp nhất để chinh phục nơi đây là từ tháng 6 đến tháng 8, ít sương mù, không còn mưa lớn, cảnh sắc Lũng Cú hiện lên đẹp như tranh vẽ. 


Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống, bạn sẽ  thấy hai ngôi làng nằm sát nhau. Một bên là Lô Lô Chải, một bên là Thèn Pả.

Mê đắm hoàng hôn cực Nam - Mũi Đất

Mũi Cà Mau là mảnh đất ở điểm tận cùng phía Nam của tổ quốc, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách trung tâm thành phố khoảng 100km. Tuy không gập ghềnh, khúc khuyủ như vùng núi phía Bắc nhưng cảm giác tìm đến cực Nam cũng thật khó diễn tả, chiếc xuồng cao tốc rạch rước lao thẳng, lắm khi lại lượn lách khiến ta có cảm giác như đang bay. Ba tiếng đồng hồ lênh đênh, ban tha hồ ngắm nhìn trọn vẹn cảnh vật xung quanh. Những ngôi nhà nhô ra hai bên sông hài hòa cùng rừng cây đước mang đến cảm giác bình yên, nhẹ nhàng. Nhưng đáng nhớ nhất vẫn là niềm hạnh phúc lâng lâng khi chạm tay vào mốc tọa độ GPS 0001 và “mũi thuyền Cà Mau” sừng sững, uy nghiêm, đắm mình trong buổi chiều hoàng hôn lãng mạn mới thấy đất nước đẹp vô cùng.

Một trải nghiệm cực kỳ thú vị khi bạn đến thăm Mũi Cà Mau là được lướt ca nô vi vu trên những con sóng với vận tốc trung bình 40- 60km/h.

 


Để có tầm nhìn rộng hơn, bạn có thể trèo lên đài quan sát cao 21 m, ôm trọn cảnh vật bao la, bát ngát của Mũi Cà Mau 

 

Được xây dựng vào tháng 1 năm 1995, mốc tọa độ GPS 0001 mang hình dạng ngôi sao sáu cánh, ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc.


Đây cũng là nơi duy nhất mà bạn có thể quan sát cả mặt trời mọc và lặn bên hai bờ biển Đông - Tây.

Chạm tay vào tia nắng đầu tiên ở điểm cực Đông - Mũi Đôi

Mũi Đôi thuộc làng chài Đầm Môn, nằm trong vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là điểm cực Đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên ló rạng trên mảnh đất Việt Nam. Cuộc hành trình diện kiến “thần mặt trời” đòi hỏi bạn phải có thể lực tốt để đủ sức đi bộ trên các đồi cát trải dài bất tận, xuyên qua khu rừng rậm rạp và vách đá cheo leo. Đổi lại món quà ngọt ngào mà bạn sẽ nhận được chính là "chạm tay" vào ánh nắng đầu tiên trên dải đất hình chữ S, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, xanh ngắt một màu nối bầu trời với biển cả. Thử hỏi đứng trước vẻ đẹp như thế, lòng ai không khỏi xốn xang, xao xuyến và yêu thêm vùng đất nơi mình được sinh ra, lớn lên trong hòa bình, hạnh phúc.


Thời điểm lý tưởng nhất để đến Mũi Đôi là từ tháng 1 đến tháng 5, thời tiết không quá nóng, lại ít mưa nên giúp bạn đỡ bị mất sức. 

Quãng đường trekking là cả một hành trình lên dốc – xuống dốc suốt 3 giờ. Khu vực bằng phẳng duy nhất là bãi Cổ Ống, chiếm độ dài không đáng kể so với cả chuyến đi.


Thời gian để chinh phục Cực Đông sẽ mất trọn vẹn 1 ngày, nên bạn có thể tới Vạn Giã từ tối hôm trước và sáng hôm sau khởi hành đến Đầm Môn


Vào ngày 4/8/2012, một chóp inox đã được gắn vào tọa độ để làm mốc điểm cực Đông Tổ quốc. 

Thênh thang đứng giữa cực Tây - A Pa Chải

Điểm cực Tây của Việt Nam nằm ở A Pa Chải, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi đây giống như một cô gái xinh đẹp nhưng lại kiêu kỳ, khi hết lần này đến lần khác “thử lòng” người khách phương xa bằng núi cao, đèo dốc, rừng sâu hiểm trở. Nếu không có ý quyết tâm chinh phục, bạn sẽ nhanh chóng đầu hàng cái lạnh thấu xương ở Tây Bắc. Nhưng sau khi vất vả, mạo hiểm mới thấy xứng đáng biết bao, niềm vui vỡ òa khi trước mắt ta là cột mốc 0 nằm uy nghiêm trên đỉnh Khoan La San hùng vĩ. Đối với những bạn đam mê khám phá thì không nên bỏ qua cung đường chinh phục A Pa Chải, nơi niềm tự hào về chủ quyền dân tộc được nuôi nấng và trưởng thành sau mỗi lần “xê dịch”


Để tới được A Pa Chải, bạn cần di chuyển về TP. Điện Biên Phủ, sau đó tiếp tục vào Mường Nhé, Sín Thầu, Đồn Biên phòng 317

Từ đồn biên phòng 317, các bạn sẽ di chuyển khoảng 9km theo đường tuần tra biên giới tới chân núi rồi để lại xe máy và leo lên mốc.



Từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch được xem là thời điểm lý thưởng nhất để chinh phục cực Đông. 


Có một số vật dụng không thể thiếu trong chuyến hành trình này là thiết bị điện tử, thuốc men, áo mưa

Tự do tuyệt đối trên Nóc nhà Đông Dương - Fansipan

Nằm trên đường địa giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Việt Nam tự hào sở hữu nóc nhà Đông Dương ở độ cao 3.143m so với mặt biển. Thời gian tốt nhất để tới đây là từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch năm sau, khi mây trời hội tụ tạo nên cảnh quan hùng vĩ. Hiện nay, việc leo lên đỉnh Fansipan không còn khó khăn, đường nhiều người đi đã mòn cả lối nhưng vẫn là một thử thách rất đáng để chúng ta vượt qua trên chặng hành trình “đánh dấu lãnh thổ”. Sau chặng hành trình đầy vất vả, nóc nhà Đông Dương hiện ra khiến bao mệt nhọc đều tiêu tan, nhường chỗ cho niềm tự hào và vinh dự.


Để lên được đến đỉnh Fansipan, bạn có thể xuất phát từ Trạm Tôn với khoảng cách dài 900m. Đây được xem là cung đường dễ đi nhất.


Nếu đi theo tuyến đường từ Sín Chải với chiều dài khoảng 1.260m, bạn sẽ mất khoảng 12 tiếng để đến đỉnh Fansipan

Thời điểm tốt nhất để chinh phục Fansipan là từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch hàng năm.


Bạn hãy nhớ mặc thật ấm, bởi kể cả vào mùa hè, nhiệt độ trên đỉnh Fansipan cũng rất thấp

Đi khắp đó đây, ta mới nhận ra mình vẫn chưa đi hết mảnh đất nơi “chôn nhau cắt rốn”. Vậy nên, đừng phí hoài tuổi thanh xuân trong bốn bức tường chật hẹp, sao không để đôi chân được đi, con mắt thêm mở rộng tại “4 cực 1 đỉnh” mang đầy niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. 

Chia sẻ với bạn bè